Đáng sợ hơn, hiện nay hầu hết các cửa hàng làm tóc đều dùng các loại thuốc nhuộm có hóa chất, đặc biệt là amin thơm có thể dẫn đến ung thư. Các chuyên gia cũng cảnh báo, nếu nhuộm tóc lâu dài thì chỉ cần 1% các loại chất độc hại xâm nhập vào cơ thể cũng gây ra các phản ứng hóa học với tế bào, gây tổn hại DNA dẫn đến ung thư bàng quang và nhiều loại ung thư khác. Trước đó, nhiều tổ chức y tế cũng đưa ra khuyến cáo, nếu amin kết hợp, cao su, l- naphthylamine, 2- naphthylamine và nhựa chống oxy hóa 4- amino-biphenyl có thể gây ung thư bàng quang.
Thuốc nhuộm tóc rất nguy hiểm với sức khỏe.
Thuốc nhuộm tóc nguy hiểm như thế nào?
Theo tiến sĩ Trần Hồng Côn, giảng viên Khoa Hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia: Tác hại cụ thể của thuốc nhuộm tóc đến nay vẫn khá khó xác định cụ thể. Để tóc mềm ra, thuốc nhuộm tóc có các thành phần làm sợi protein, sau đó đưa thuốc vào tẩy màu rồi thêm thuốc màu nhuộm vào. Lượng thuốc cùng loại thuốc dùng càng nhiều, thành phần hóa học càng phức tạp sẽ tăng nguy cơ dị ứng. Tiến sĩ Côn cũng bổ sung, các loại thuốc nhuộm tóc được phép sử dụng hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, việc ra đời hàng loạt loại thuốc nhuộm tóc mới khiến các hoạt chất không còn tinh khiết 100%, ít nhất cũng chứa 2-3% các loại tạp chất. Thuốc nhuộm tóc thường gây mẫn cảm chéo, bởi vậy nhiều người dị ứng với thuốc nhuộm này nhưng khi đổi sang loại khác vẫn bị như vậy. Lần đầu nhuộm tóc, sau 1-2 đến 3 ngày sẽ xảy ra dị ứng; đến những lần sau Dị ứng có thể xuất hiện chỉ sau vài giờ nhuộm.
Những biểu hiện ban đầu khi bị dị ứng thuốc nhuộm gồm: Ngứa ngáy dữ dội, da đầu nổi mụn nước hoặc chảy nước, đóng vảy, rụng tóc. Kinh khủng hơn, không ít người triệu chứng còn lan ra cả mặt, để lại sẹo và kéo dài cả tháng, tái phát nhiều lần. Có người còn bị nhiễm trùng, chủ yếu là nam giới. Thuốc nhuộm tóc có thể ảnh hưởng đến mắt và da đầu khi chứa các thành phần gây kích ứng. Những người có da đầu yếu, nhạy cảm chỉ cần nhuộm tóc cũng sẽ bị ngứa ngáy, lở loét, đau rát da đầu. Bên cạnh đó, một số loại thuốc nhuộm tóc chứa Alkylphenol ethoxylate (APE) – loại chất thường có trong thuốc trừ sâu – khi hấp thụ vào cơ thể gây rối loạn nội tiết; isopropyl alcohol trong thuốc nhuộm cũng góp phần gây ra nhức đầu, trầm cảm.
Người đàn ông trung niên đến từ Thái Bình phải nhập viện cấp cứu vì dị ứng thuốc nhuộm tóc.
Một số nghiên cứu còn cho thấy, những người nhuộm tóc nhiều tăng nguy cơ mắc ung thư hạch. Ngoài ra, thuốc nhuộm tóc còn chứa para-phenylenediamine (PPED) có thể gây bệnh ung thư vú hoặc ung thư bàng quang. Phụ nữ mang bầu nhuộm tóc còn gây nguy hiểm cho thai nhi, khiến trẻ đối mặt với nguy cơ ung thư cao hơn 10 lần bình thường. Nếu rơi vào một trong các trường hợp sau, bạn tuyệt đối không nên nhuộm tóc: Vùng da cổ, đầu, mặt bị thương hay sưng đau; phụ nữ mang thai hoặc trong thời kỳ “đèn đỏ”; trước và sau khi uốn tóc 1 tuần. Khi pha thuốc, nên tránh các dụng cụ chứa bằng kim loại, cũng không dùng lược chải kim loại khi nhuộm tóc.
Lưu ý khi dùng thuốc nhuộm tóc
Tác hại của thuốc nhuộm tóc lên từng người là hoàn toàn khác nhau. Do đó, trước khi đi nhuộm mọi người nên tìm hiểu, chọn lựa kỹ càng loại thuốc nhuộm phù hợp với mình để có thể hạn chế tối đa ảnh hưởng của thuốc nhuộm tóc gây ra. BS CKI Đinh Doãn Thạch khuyến cáo, nếu muốn nhuộm tóc trước hết cần chọn nơi uy tín, chất lượng, trang thiết bị máy móc còn mới và hiện đại. Sau khi tìm hiểu và chọn được địa điểm làm tóc cùng loại thuốc phù hợp, cần thử phản ứng thuốc với cơ thể bằng cách chấm một ít thuốc vào khuỷu tay, để khô tự nhiên trong vòng 48 giờ. Nếu không có dấu hiệu bất thường, bạn có thể yên tâm nhuộm tóc. Còn ngược lại, nếu xuất hiện các triệu chứng như mẩn ngứa, tấy đỏ hay nổi mụn, cần rửa sạch tay có thuốc nhuộm và dừng ý định nhuộm tóc ngay lập tức.
Trước khi đi nhuộm mọi người nên tìm hiểu, chọn lựa kỹ càng loại thuốc nhuộm phù hợp với mình để có thể hạn chế tối đa ảnh hưởng của thuốc nhuộm tóc gây ra.
Khi làm tóc, nếu cảm thấy rát nóng cũng không nên tiếp tục. Nếu chẳng may bị bỏng, cần sơ cứu ngay bằng cách rửa dưới nước mát trong khoảng 20-30 phút để giảm tác động của hóa chất. Phát hiện dấu hiệu bất thường như ngứa rát, mẩn đỏ, phồng rộp, chảy dịch mủ… nên đến bệnh viện chuyên khoa để điều trị phù hợp, tuyệt đối không tự điều trị tại nhà. Bác sĩ cũng khuyến cáo, những người bị nổi mề đay, Viêm da cơ địa, hen, chàm… không nên nhuộm tóc. Đối với những người khác, không nên nhuộm tóc cũng như đổi loại thuốc nhuộm thường xuyên (tối thiểu thời gian các lần nhuộm 2-3 tháng).
Nhập viện cấp cứu vì dị ứng với thuốc nhuộm tóc. Nguồn: THDT
Thùy Nguyễn (t/h)