Ngày nay, lễ Vu Lan không đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà còn có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, hướng mỗi người trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với tổ tiên.
Lễ Vu Lan là gì?
Lễ Vu Lan (hay còn được gọi là Vu Lan báo hiếu) là một trong những ngày lễ trọng đại trong Phật giáo nhằm tưởng nhớ và báo hiếu công sinh thành nuôi dưỡng của cha mẹ, tổ tiên.
Với ý nghĩa tốt đẹp, trải qua hàng ngàn năm, dần dần lễ Vu Lan đã lan rộng, không chỉ là ngày lễ của đạo Phật mà còn trở thành ngày lễ báo hiếu của toàn thể người dân Việt Nam.
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, lễ Vu Lan được du nhập vào Việt Nam từ năm 1072 và vua Lý Nhân Tông đã từng lập đàn cầu siêu cho cha mẹ.
Lễ Vu Lan diễn ra vào ngày rằm tháng 7 Âm lịch hằng năm (tức ngày 15/7). Năm nay, lễ Vu Lan 2021 rơi vào Chủ Nhật ngày 22/8/2021 Dương lịch.
Nguồn gốc lễ Vu Lan
Lễ Vu Lan ra đời dựa theo sự tích Đại Đức Mục Kiền Liên (một trong hai đại đệ tử của Phật Thích Ca). Với tấm lòng hiếu thảo, ngài đã cứu được mẹ ra khỏi kiếp ngạ quỷ.
Khi Đại Đức Mục Kiền Liên tu luyện thành công, ngài nhớ tới người mẹ Thanh Đề đã khuất của mình nên đã dùng mắt phép tìm kiếm khắp nơi xem bà đã đi đâu, về đâu.
Không ngờ, kết quả nhìn thấy lại khiến Đại Đức Mục Kiền Liên vô cùng đau lòng. Ngài thấy mẹ đang bị đày thành ngạ quỷ, đi lang thang khắp nơi, cực khổ, đói khát bởi những việc ác trước đây mà bà đã thực hiện.
Quá đau lòng, Đại Đức Mục Kiền Liên liền dùng phép thần thông để biến ra cơm đưa tới tận địa ngục cho mẹ nhưng tiếc thay những thức ăn ấy đều bị hóa thành lửa.