Hiện nay, lăn kim tế bào gốc được không ít cơ sở làm đẹp quảng cáo rầm rộ là phương pháp điều trị các vấn đề về da như như mụn, sẹo, sạm đen, nám hay lỗ chân lông to… hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, khắc phục được toàn bộ những nhược điểm của các phương pháp truyền thống.
Nhiều chị em phụ nữ tin tưởng tìm tới phương pháp lăn kim để làm đẹp, tuy nhiên nếu không tìm hiểu kỹ phương pháp này sẽ khiến làn da bị tổn thương, biến dạng. Thực tế đã có nhiều trường hợp phải lĩnh “trái đắng” vì phương pháp này.
Bỏng gần hết da mặt
Bác sĩ Lã Thanh Hà, Trưởng Khoa Da liễu, Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Học viện Y học cổ truyền) cho biết mới đây, các bác sĩ đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân P.T.T (40 tuổi, ở Hà Nội) bị hỏng gần hết da mặt sau khi thực hiện phương pháp lăn kim tế bào gốc.
Bệnh nhân cho biết trước đó, do thấy làn da của mình có dấu hiệu của tuổi tác, da khô thiếu sức sống, tối màu nên chị này đã tìm đến cơ sở làm đẹp qua quảng cáo hấp dẫn và được nhân viên ở đây tư vấn phương pháp lăn kim. Sau khi lăn kim, nhân viên tại đây có cho bệnh nhân một loại thuốc bôi để phục hồi giúp da căng bóng, trắng hồng.
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, khuôn mặt của chị T. xuống cấp trầm trọng, da sần sùi, loang lổ, nám xạm, chi chít mụn khiến chị không đủ tự tin xuất hiện trước mọi người. Lúc này, chị T. mới vào viện cầu cứu bác sĩ.
Bệnh nhân bỏng rát toàn bộ khuôn mặt
Theo bác sĩ Hà, trường hợp bệnh nhân T. bị tổn thương da rất nặng, bệnh nhân bị tróc lột toàn bộ lớp biểu bì sau lăn kim và bôi thuốc không rõ nguồn gốc. Các bác sĩ nghĩ nhiều đến khả năng loại thuốc bôi này trôi nổi, hoạt chất thường chứa hidroquinon, acid nồng độ cao, có tác dụng làm trắng thần tốc và lột tẩy mạnh khiến làn da trắng đẹp lên trông thấy nhưng sẽ suy yếu sau một thời gian.
Hoạt chất này bôi kết hợp sau lăn kim sẽ thẩm thấu sâu, lột tẩy rất mạnh, gây hậu quả xâm hại làn da nghiêm trọng, da mặt nhìn như bị “cày nát”. Với bệnh nhân T., việc điều trị sẽ phải kéo dài, rất tốn kém, da khó phục hồi như ban đầu.
Bùng phát trứng cá
Trước đó không lâu, bệnh viện này cũng tiếp nhận một cô gái 19 tuổi, quê Hải Phòng, trong tình trạng mặt chi chít trứng cá bọc mủ sau lăn kim. Người nhà bệnh nhân cho biết do trên mặt xuất hiện nhiều trứng cá nên chị đã được mẹ đưa đến một cơ sở làm đẹp để lăn kim trị mụn, hy vọng có làn da đẹp trước khi nhập học đại học.
Tháng đầu tiên sau lăn kim, da cô gái đẹp lên nhanh chóng, sau đó bỗng bùng phát các đợt trứng cá dữ dội. Khi đi khám tại Khoa Da liễu, Bệnh viện Tuệ Tĩnh, các bác sĩ chẩn đoán bị Viêm da dạng trứng cá.
Hiếm chỗ nào trên da không có mụn xuất hiện
Đáng sợ hơn, da của cô gái này đã bị bội nhiễm liên cầu, tụ cầu gây viêm da mủ, điều trị phức tạp, thời gian kéo dài. Bác sĩ Hà cho biết trung bình mỗi ngày, các bác sĩ Khoa Da liễu tiếp nhận từ 3-5 ca biến chứng sau lăn kim tại các cơ sở làm đẹp bên ngoài.
Đa số bệnh nhân tuổi từ 19-40 tuổi, nhập viện trong tình trạng da ngứa nổi mẩn sưng đỏ, loang lổ nám, tăng sắc tố, bùng phát trứng cá, viêm da bội nhiễm, viêm da mủ… rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe làn da.
Mặt chảy mủ, nóng rát, sưng phồng…
Thời gian gần đây, ThS.BS Nguyễn Thị Phượng, Phó Chủ tịch Hội Da liễu Nam y Việt Nam đã tiến hành điều trị cho nhiều bệnh nhân bị tổn thương da nghiêm trọng do đi lăn kim làm đẹp.
Sau lăn kim, da mặt chảy mủ, chảy nước vàng, sưng phồng
“Nhiều người đã phải trả giá, không chỉ về tiền bạc mà còn cả nhan sắc của mình. Điển hình là một bệnh nhân nam có tến H.N (Bắc Ninh) mất 20 triệu đi lăn kim, mang về khuôn mặt nhiễm trùng, trong khi đó, chi phí phục hồi có thể gấp nhiều lần và rất mất thời gian cũng như công sức của bệnh nhân. Thậm chí liệu trình không cố định, lúc thì 3 lúc thì 5 nên bệnh nhân không theo được”, nữ bác sĩ chia sẻ.
Nhiễm HIV
Đầu tháng 5 vừa qua, nhà chức trách Mỹ đã điều tra về ít nhất hai trường hợp bị nhiễm HIV trong số các khách hàng đã sử dụng dịch vụ PRP – Platelet Rich Plasma (công nghệ huyết tương giàu tiểu cầu) – làm đẹp da mặt tại một cơ sở làm đẹp ở bang New Mexico.
Cần quá trình tìm hiểu
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hà, chuyên khoa thẩm mỹ của Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, đối với những bệnh nhân sử dụng phương pháp lăn kim không đúng cách, có thể dẫn đến tình trạng tăng sắc tố da, da trở nên đen sạm, chi phí điều trị có thể lên hơn 50 triệu đồng.
“Lăn kim có thể coi là một trong những phương pháp rất ít gây dị ứng, nhưng một số hóa chất bôi sau khi lăn kim như vitamin C, tế bào gốc, collagen, chất giữ ẩm… không rõ nguồn gốc có thể làm cho da của bệnh nhân bị Dị ứng, sưng tấy, đỏ rát.Điều trị sau đó cũng không phải việc dễ dàng”, bác sĩ Hà nhấn mạnh.
Ths. Bs Lã Thanh Hà thăm khám cho bệnh nhân gặp biến chứng sau lăn kim
Bác sĩ Hà khuyến cáo, lăn kim tưởng chừng như là một phương pháp vô cùng đơn giản, tuy nhiên cần có quá trình tìm hiểu về da, để có thể lựa chọn phương pháp tốt nhất, không phải da nào cũng có thể làm lăn kim được.
Xem thêm: “Tuyệt chiêu” đối phó với mụn mùa hè đơn giản không lo tốn kém
Như Quỳnh (t/h)